CLB FOLA đã tổ chức một hoạt động học thuật về tìm hiểu văn hoá các nước với tên gọi “Culture Seekers”. Ở lần tổ chức này, chủ đề cụ thể là về những kiến thức văn hoá của ba nước Liên Hiệp Anh, Mỹ và Úc.
Trước khi chương trình bắt đầu, các bạn sinh viên đã được ‘khởi động’ với những hoạt động vui nhộn để làm nóng không khí.
Hoạt động học thuật về tìm hiểu văn hóa này được triển khai thông qua ba hoạt động chính là Đoán tên động vật; Vẽ và trình bày một động vật mang tính biểu tượng cho một quốc gia, và Thi bộ câu hỏi 4 phần về văn hoá các nước. Mục đích và cách khai thác nội dung của chủ đề này là nhằm giúp sinh viên hiểu kiến thức văn hoá của một nước ở góc độ rộng (sự phát triển của nền văn hoá du mục, văn hoá lúa nước và mối liên hệ mật thiết giữa con người với động vật trong các nền văn hoá) cho đến việc hiểu sự hình thành một nền văn hoá cụ thể (ở góc độ hẹp – thành phố và thể chế) thông qua những con vật mang tính chất biểu trưng, những câu chuyện của mỗi quốc gia, địa danh và con người đại diện.
Ở phần Một của hoạt động Culture Seekers, giảng viên Vương Tuyết Kha tương tác với sinh viên thông qua việc giới thiệu từ vựng về các động vật. Hoạt động này không chỉ đơn thuần là giới thiệu động vật một cách chung chung; mục đích đằng sau là về những con vật mang tính chất biểu tượng cho một quốc gia cụ thể. Chẳng hạn, khi giảng viên giới thiệu về con trâu của Mỹ (bison - /ˈbaɪsn/) – đây là một trong các các vật mang tính chất quốc gia của Mỹ và cụ thể hơn là với người Mỹ bản địa. Hay như khi giảng viên mô tả con vật biểu tượng của nước Úc (kangoroo- /ˌkæŋɡəˈru/), đây là con vật biểu tượng mà bạn sẽ thấy rất nhiều trong logo của Chính phủ Úc hay những sản phẩm lưu niệm. Phần Một là phần giới thiệu sơ bộ về nền văn hoá của một nước ở góc độ sử dụng động vật mang tính chất biểu tượng.
(Giảng viên Vương Tuyết Kha giới thiệu từ vựng tới sinh viên)
Ở phần Hai của chương trình, các sinh viên được chia thành nhóm nhỏ, được trang bị bút màu, giấy và cùng sự hướng dẫn, động viên từ các giảng viên để làm hoạt động về ‘Các con vật mang tính chất biểu tượng cho một nước’. Tiêu chí ở phần này là nhóm sinh viên phải có phần trình bày hình thức đẹp, nêu được những nét đặc trưng của con vật mà nhóm lựa chọn, và trình bày được hai lí do tại sao con vật đó là đại diện cho đất nước đó và tại sao nhóm lại chọn trình bày về con vật đó. Phần này tập trung vào việc phát triển kỹ năng làm việc nhóm cho sinh viên, kỹ năng tư duy sáng tạo, và kỹ năng trình bày trước tập thể bằng tiếng Anh. Phần trình bày của các nhóm sinh viên sau hơn 30 phút chuẩn bị đã thể hiện được mong muốn của người tổ chức chương trình! Các nhóm trình bày nội dung rất sáng tạo từ phần hình ảnh, phần phụ hoạ đến nội dung thuyết trình. Ở nhóm đầu tiên, nhóm trình bày Đại bàng đầu trắng (Bald Eagel) – hình ảnh động vật biểu trưng cho nước Mỹ hiện tại – với phần hình ảnh đẹp sống động, phần phụ hoạ trình diễn ‘cười nghiên ngả’ về hình ảnh con diều hâu tiếp cận con mồi. Hay như ở một nhóm khác – chọn khai thác hình ảnh Sư tử (Lion) – một trong những con vật đại diện của Liên hiệp Anh – với bức tranh rất dễ thương.
(Nhóm thuyết trình về Bald Eagel)
(Nhóm thuyết trình về Lion)
Ở phần sau cùng của Culture Seekers, các sinh viên ngồi theo ô gạch cách nhau để đến với phần thử thách kiến thức văn hoá của các nước. Thiết kế của các bộ câu hỏi này được mô phỏng theo chương trình Ai là triệu phú, với những câu hỏi từ rất dễ đến cực khó. Các câu hỏi được trải dài từ việc xem tranh đoán tên địa điểm đến việc xem tên tác phẩm đoán tên tác giả! 4 bộ câu hỏi được thiết kế phân mảng để các sinh viên có cơ hội đồng đều trong việc trả lời câu hỏi. Phần Ba này được xem như là phần ‘khoai’ nhất trong các phần với lượng câu hỏi nhiều và ‘căng não’ theo thời gian.
(Các sinh viên thi phần câu hỏi kiến thức)
Ba phần hoạt động của Culture Seekers được hoàn thành tốt đẹp và được thể hiện thông qua những khoảng khoắc cực ‘lầy lội’ của các sinh viên và giảng viên.
(Sinh viên và giảng viên có những khoảng khắc thật vui)
Chương trình được tổ chức với mong muốn trình bày những cách tiếp cận kiến thức về một nước, một văn hoá cụ thể từ những góc nhìn đa chiều – không chỉ đơn thuần là từ những hình ảnh công trình đặc trưng của một nước hay những con người nổi tiếng của những đất nước đó – mà còn là những con vật mang tính chất biểu tượng, gắn liền với một sự vận động và phát triển không ngừng từ những nền văn hoá chung đến một quốc gia, một thể chế cụ thể trong xã hội đương đại. Sự tiếp cận nội dung có sự tham vọng lớn trong một thời lượng ngắn nên sẽ có những khối kiến thức dù được mong muốn truyền đạt tối đa, nhưng chỉ có thể chạm ở mức tối thiểu. Mong rằng những chương trình về văn hoá như vậy sẽ được triển khai nhiều hơn trong những học kỳ tiếp theo để chương trình dần được hoàn thiện về nội dung và để giúp truyền tải tới sinh viên khoa ngoại ngữ nói riêng và sinh viên học tiếng nói chung, rằng học một ngôn ngữ là gắn liền với việc tìm hiểu và trao dồi sự hiểu biết về nền văn hoá mà ngôn ngữ đó là một phần của sự thể hiện. Chính sự ham học hỏi này sẽ giúp cho người học ngôn ngữ không chỉ biết và sử dụng ngôn ngữ ở mức bề mặt, và còn hiểu và sử dụng ngôn ngữ ở mức sâu sắc hơn trong tầm tư duy và văn hoá.
GV Mai Tú - Ngọc Huy