Thanh Minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
Chắc chắn rằng bất kỳ ai cũng thuộc lào hai câu thơ này; nó cho chúng ta thông tin về một ngày lễ đặc thù, một ngày tết hội đủ hai mặt: Lễ trang nghiêm (tảo mộ) và Hội náo nhiệt (đạp thanh).
Một ngày lễ xuất hiện trong tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du chắc hẳn sẽ hàm chứa nhiều điều thú vị. Thật vậy, Thanh Minh không giống như các ngày lễ tết khác, nó có khởi nguồn gắn với các hiện tượng tự nhiên lẫn các câu chuyện truyền thuyết, đủ sức làm mê hoặc những ai tìm hiểu về nó.
Thanh Minh là tiết khí thứ năm trong bảng 24 tiết khí trong năm - một bộ lịch quan trọng của nhà nông trong sản xuất nông nghiệp được người Trung Hoa xưa phát minh. Thanh Minh là thời khắc quan trọng nhất trong năm, nó chấm dứt chuỗi ngày lạnh giá, khởi động mùa ấm áp với những cơn mưa phùn nhẹ, gió mát, cảnh vật xanh tươi, chính vào thời khắc này đã được người xưa chọn để làm lễ "thay lửa". Tất cả lửa trong dân gian sẽ được dập tắt, mọi người háo hức trông chờ ngọn lửa mới được tạo ra và truyền đến mọi nhà; ngọn lửa mới tượng trưng cho những điều may mắn tốt lành trong năm mới, khởi nguồn tự nhiên của tết "hàn thực" (ăn thức ăn lạnh) chỉ đơn giản là vậy.
Trải qua mùa đông lạnh lẽo với băng tuyết che phủ khắp nơi, một phần đã làm hư hại những nấm mồ của người đã khuất, khi băng tan, việc tối quan trọng chính là tu bổ, đấp đất, sửa sang lại mộ phần, tập tục "tảo mộ" phiên bản tự nhiên chỉ đơn giản là thế.
Xã hội loài người ngày càng đổi thay và phát triển, các tập tục xưa đã được gán ghép thêm nhiều câu chuyện dân gian, để ngày lễ thêm phần thi vị, để việc lưu truyền những ngày lễ này thêm dễ dàng hơn, và thế là câu chuyện kể về Giới Tử Thôi với đề tài "cắt thịt nấu canh" đã được ra đời; chuyện kể rằng: Giới Tử Thôi là một trong những cận thần tháp tùng công tử Trùng Nhĩ của nước Tấn trong thời kỳ đi lánh nạn, và có một lần Giới Tử Thôi đã dũng cảm cắt một miếng thịt trên đùi của mình để nấu canh dâng cho công tử Trùng Nhĩ khi cả đoàn bị kẹt trong hoàn cảnh nhiều ngày không tìm được lương thực. Sau này khi công tử Trùng Nhĩ lên làm vua đã luận công ban thưởng cho quần thần khi xưa đã cùng cam chịu khổ với mình nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Đến khi vua phát hiện tới tìm ông thì được biết Giới Tử Thôi đã cõng mẹ già lên núi ở ẩn, vua tìm đến và khẩn khoản mời ông xuống núi để về triều đình cùng hưởng vinh hoa phú quý nhưng ông không chịu; sau đó nghe lời hiến kế của một vị cận thần, nhà vua đã phóng hỏa đốt núi để ép Giới Tử Thôi xuống núi, khi lửa đã tàn mọi người lên núi tìm và phát hiện ông ôm mẹ già chết cháy trên núi. Nhà vua rất đau lòng và để tưởng nhớ đến ông, nhà vua đã ra lệnh cả nước vào ngày này không được nhóm lửa nấu đồ ăn nữa mà phải chuẩn bị lương thực từ trước, chính vì do ăn thức ăn nguội lạnh mà tên gọi tết Hàn Thực ra đời.
Trong xã hội cận đại, theo dòng di dân của người Hoa đến khắp nơi trên thế giới, những ngày lễ dân gian này đã được người Hoa "gói ghém" trong hành trang của mình và mang tới các quốc gia mà mình đặt chân đến, và vô hình chung những ngày lễ tết như Nguyên Tiêu, Thanh Minh, Trung Thu đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, tùy vào tình hình từng quốc gia, các ngày lễ sẽ có sự thay đổi phù hợp với yếu tố văn hóa bản địa, tết Thanh Minh cũng vậy, những tập tục trong ngày tết Thanh Minh tại Việt Nam đã hoàn toàn khác với nguyên gốc của ngày lễ này tại Trung Hoa.
Trong ngày tết Thanh Minh hiện tại, người Hoa chỉ còn tồn tại tập tục đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng tổ tiên tại nhà. Đây là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu kính đối với ông bà tổ tiên đã khuất. Thanh Minh của người Hoa không nhất thiết phải đến đúng ngày chính thức mới thực hiện công việc tảo mộ, mà có thể kéo dài trong suốt cả tháng, mọi người sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ, đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ, sau đó, người tảo mộ bày biện lễ vật, thắp hương để cúng tế người đã khuất. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình.
Những thông tin thú vị, những câu chuyện hấp dẫn đã được truyền đạt; những món ẩm thực đặc sắc đã được thưởng thức; tất cả đã tạm khép lại trong buổi sinh hoạt chuyên đề tháng 3 năm 2021 do Câu lạc bộ FOLA tổ chức.
Trần Chí Minh
Giảng viên Khoa Ngoại Ngữ