Menu

DẠY HỌC TÍCH CỰC

DẠY HỌC TÍCH CỰC

Lê Thị Ngọc Diệp, MA in TESOL

Faculty of Foreign Languages, Van Lang University 

 

Nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển và hội nhập với thế giới đang là thách thức chính các trường ĐH tại Việt Nam. Để thực hiện được việc ấy, một trong các yếu tố cần quan tâm là phương pháp giảng dạy.  Hơn nữa, ngày nay, sinh viên không còn là người “được dạy”mà là người khám phá tri thức. Làm thế nào để sinh viên có thể phát huy được năng lực tự học, sự chủ động, sáng tạo không phải là việc làm đơn giản. Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy khả năng tiếp thu và vận dụng bài học của người học tăng lên khi được học tập chủ động với những phương pháp giảng dạy hiện đại. Do đó, việc tìm hiểu và nghiên cứu phương pháp giảng dạy giúp sinh viên chủ động trong học tập phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của họ là điều rất cần thiết, cần phải được luôn thực hiện.

Trên cơ sơ đó, bài viết này sẽ tập trung vào các phần sau (1) Tổng quan về phương pháp giảng dạy tích cực (2) Phương pháp dạy học hiện tại của Khoa Ngoại ngữ, Đại học Văn Lang, và (3) Một vài phương pháp dạy học tích cực.

Từ khóa: Phương pháp dạy học tích cực, người học, sinh viên, phương pháp, thuyết trình.

Abstract

Quality improvement on the education and training to meet students’ needs for the development and integration with the world is the main challenge of the universities in Vietnam. Therefore, new teaching methods are always concerned. Additionally, students are at present not to be taught but to be given opportunities to discover knowledge. How to help them promote their self-learning ability, initiative and creativity is not a simple task. The recent studies have shown that the students’ learning acquisition is enhanced together with the application of active and modern teaching methods. As a result, the study of new teaching methods helping students be active and creative in learning is really essential.

This article focuses on the following matters (1) Overview of active teaching methods, (2) The current teaching methods of the Faculty of Foreign Languages at Van Lang University, (3) Introduction to some active teaching methods, (4) Some comments on active teaching methods, and (5) Conclusion.

Key word:  Active teaching method, learner(s), student(s), method(s), lectures.

 

 

  1. Tổng quan về phương pháp dạy học tích cực
  2. Định nghĩa:

Theo Phạm Thị Thúy (2011), phương pháp giảng dạy tích cực, hay phương pháp giáo dục chủ động là những cách gọi để chỉ những phương pháp, cách thức, kỹ thuật khác nhau làm cho giờ học sinh động, hấp dẫn, người học được làm việc, được sáng tạo; cụ thể là phương pháp làm việc nhóm, sắm vai, tình huống. Đây là một nhóm các phương pháp cụ thể kết hợp với phương pháp thuyết trình, giúp nâng cao chất lượng dạy và học. Phương pháp dạy học tích cực hướng tới việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, phát huy tính tích cực của người học.

  1. Đặc điểm của phương pháp dạy học tích cực:
  • Dạy và học thông qua các hoạt động của sinh viên

Dạy học thông qua tổ chức liên tiếp các hoạt động học tập, từ đó giúp sinh viên tự khám phá những điều chưa biết. Theo tinh thần này, giảng viên không cung cấp, áp đặt kiến thức có sẵn mà là người tổ chức và chỉ đạo sinh viên tiến hành các hoạt động học tập, phát hiện kiến thức mới, vận dụng sáng tạo kiến thức đã biết vào các tình huống học tập thực tiễn.

  • Dạy và học chú trọng rèn luyện phương pháp tự học.

Chú trọng rèn luyện cho sinh viên những tri thức phương pháp để họ biết cách đọc sách giáo khoa và các tài liệu học tập, biết cách tự tìm lại những kiến thức đã có, biết cách suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới. Cần rèn luyện cho sinh viên các thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp, hình thành và phát triển tiềm năng sáng tạo của họ.

  • Tăng cường học tập cá thể, phối hợp với học tập hợp tác.

Mỗi sinh viên vừa cố gắng tự lực một cách độc lập, vừa hợp tác chặt chẽ với nhau trong quá trình tiếp cận, phát hiện và tìm tòi kiến thức mới. Lớp học trở thành môi trường giao tiếp thầy – trò và trò – trò nhằm vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của từng cá nhân, của tập thể trong giải quyết các nhiệm vụ học tập chung.

Lớp học là môi trường giao tiếp thầy - trò, trò - trò, tạo nên mối quan hệ hợp tác giữa các cá nhân trên con đường chiếm lĩnh nội dung học tập. Thông qua thảo luận, tranh luận trong tập thể, ý kiến mỗi cá nhân được bộc lộ, khẳng định hay bác bỏ, qua đó người học nâng mình lên một trình độ mới.

  • Kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò.

Trong phương pháp tích cực, giáo viên phải hướng dẫn học sinh phát triển kĩ năng tự đánh giá để tự điều chỉnh cách học. Liên quan với điều này, giáo viên cần tạo điều kiện thuận lợi để người học được tham gia đánh giá lẫn nhau. Tự đánh giá đúng và điều chỉnh hoạt động kịp thời là năng lực rất cần cho sự thành đạt trong cuộc sống mà nhà trường phải trang bị cho người học. Lợi ích của phương pháp dạy học tích cực

  • Lợi ích đối với người dạy

Giờ giảng của mỗi giáo viên trở nên sinh động, hấp dẫn và có ý nghĩa. Người học là trung tâm nhưng vai trò, uy tín của người thầy được đề cao hơn. Bên cạnh đó, khả năng chuyên môn của người thầy sẽ tăng lên nhờ áp lực của phương pháp, bởi nội dung kiến thức của từng giờ giảng phải được cập nhật liên tục trong thời đại thông tin rộng mở.

Người dạy sẽ học được từ học trò của mình rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế. Mối quan hệ thầy trò sẽ trở nên gần gũi, tốt đẹp qua việc giải quyết các tình huống liên quan đến nội dung bài học và cuộc sống của người học.

  • Lợi ích đối với người học

Người học được chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình đồng thời với việc bổ sung những kiến thức, kinh nghiệm không chỉ từ người thầy mà còn từ chính các bạn trong lớp. Nhờ học theo hướng tích cực mà họ ghi nhớ sâu kiến thức và tăng khả năng áp dụng vào thực tế lên gấp 3-4 lần so với cách học thụ động một chiều.

  • Mối quan hệ thầy - trò trong việc dạy và học

Khi áp dụng phương pháp giáo dục chủ động, người học giữ vai trò trung tâm, người thầy chỉ đóng vai trò hướng dẫn, giúp đỡ. Người học chủ động tìm kiếm tri thức và có thể thu nhận kiến thức không chỉ từ thầy mà còn từ rất nhiều nguồn khác nhau.

Khi áp dụng phương pháp dạy học này vai trò người thầy càng trở nên quan trọng. Với người học, họ cần hiểu rõ mình là ai, như thế bào và muốn học gì. Với người dạy, mỗi thầy/cô càng phải phấn đấu, tự học, tự sáng tạo nhiều hơn để xứng đáng trong vai trò mới.

  1. Phương pháp dạy học hiện tại của Khoa Ngoại ngữ Đại học Văn Lang.

Qua thực tế giảng dạy và nghiên cứu, tác giả thấy rằng, tại Khoa Ngoại ngữ Đại học Văn Lang, các giảng viên đang áp dụng phương pháp giảng dạy giống với mô hình BOPPPS của tổ chức ISW cho việc giảng dạy.

Mô hình BOPPPS bao gồm:

  • B – Dẫn nhập (Bridge-in): Thu hút sự chú ý của sinh viên, xây dựng sự hưng phấn và giải thích tại sao bài giảng quan trọng.
  • O - Mục tiêu/ Kết quả (Objective or Outcome): Giải thích những gì sinh viên cần biết, cần suy nghĩ và những gì họ có được sau khi khóa học kết thúc. 
  • P - Đánh giá trước giảng dạy (Pre-assessment): Trả lời câu hỏi, “Sinh viên trước đây đã biết những gì về bài học?”
  • P - Tham gia học tập (Participatory learning): Sinh viên cần phải tham gia tích cực trong bài giảng. Có thể sử dụng các phương tiện truyền thông trong giảng dạy. 
  • P - Kiểm tra sau giảng dạy (Post-assessment): Đánh giá sinh viên đã nắm bắt bài giảng chưa, và liên hệ trực tiếp đến mục tiêu đặt ra.
  • S - Tóm tắt/Tổng kết (Summary/Closure): Phản hồi, ôn tập và tổng kết những gì đã học được.

Ưu điểm của mô hình BOPPPS:

        Có thể áp dụng cho mọi môn học, với các quy mô lớp học khác nhau.

  • Cấu trúc bài giảng rõ ràng.
  • Mục tiêu bài giảng được giảng viên xác định ngay từ đầu nên dễ dàng đi vào trọng tâm, thực hiện đúng mục đích giảng dạy.
  • Sinh viên biết được mục tiêu của bài giảng, hiểu được ý nghĩa của buổi học, sự cần thiết phải tham gia buổi học, kỹ năng và thái độ.
  • Giúp giảng viên đánh giá được mức độ tiếp thu của sinh viên và hiệu quả của buổi giảng.

Nhược điểm của mô hình BOPPPS:

     Cũng chính vì mục tiêu bài giảng được xác định ngay từ đầu nên không kích thích được sự sáng tạo của sinh viên. Đối với mô hình này, kiến thức đi từ phía giảng viên đến sinh viên nên ở đây sinh viên vẫn tiếp nhận kiến thức một cách thụ động, theo lối mòn, không phát huy được tư duy phản biện để tìm ra kiến thức mới.

  1. Một vài phương pháp dạy học tích cực

Trong thực tế, có rất nhiều phương pháp giảng dạy tích cực. Do một vài hạn chế nhất định, tác giả chỉ nêu 1 số phương pháp có thể áp dụng tại Khoa Ngoại ngữ như sau:

  • Phương pháp thuyết giảng theo hướng tích cực

Thuyết giảng được xem là phương pháp truyền thống trong hoạt động giảng dạy nhưng vẫn là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất, có thể áp dụng cho mọi môn học. Trong thực tế, phương pháp thuyết giảng cũng có thể áp dụng trong phương pháp giảng dạy tích cực. Thuyết giảng tích cực là thuyết giảng theo lối tương tác, đặt vấn đề cho người học suy nghĩ và lôi cuốn người học cùng giải quyết vấn đề với giảng viên. Nghiên cứu nổi tiếng của Hartley và Davies (1978) cho thấy: sau khi kết thúc tiết giảng, sinh viên nhớ lại được khoảng 70% nội dung trình bày trong 10 phút đầu tiên và 20% nội dung trong 10 phút cuối. Nghiên cứu của Jensen (1998) cũng đi đến kết luận: sự chú ý cao độ đối với nguồn thông tin bên ngoài chỉ có thể đạt được từ 10 phút trở lại.

Để thuyết giảng hiệu quả thì lời giảng phải súc tích, chặt chẽ và nên trình bày theo lối tương tác, nghĩa là liên tục trao đổi với sinh viên trong quá trình thuyết giảng. Thí nghiệm của Ruhl, Hughes và Schloss (1987) đã cho thấy: nếu giảng viên nói ít thì sinh viên càng học được nhiều. Hãy giới thiệu những điều cốt lõi và hướng dẫn người học tìm phương pháp để họ có thể tự nghiên cứu những nội dung còn lại. Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu của Ruhl, Hughes và Schloss thì chỉ nên thuyết giảng trong vòng 20 phút trở lại. Cứ sau mỗi đợt thuyết giảng là một dạng hoạt động cho sinh viên tham gia, có thể chỉ đơn giản là 2 phút thảo luận về bài học. Tương tự như vậy, 6 giáo sư ở Đại học Bang Oregon (Hoa Kỳ) phát triển một phương pháp giảng dạy gọi là “bài giảng – phản hồi”: sau mỗi bài giảng 20 phút sẽ là 20 phút thảo luận theo câu hỏi cho trước.

  • Phương pháp Giảng dạy dựa trên vấn đề (Problem- Based Teaching)

Phương pháp này nhằm hướng dẫn người học chủ động làm việc trên vấn đề được đặt ra. Giảng viên đóng vai trò là người gợi mở vấn đề, giám sát quá trình làm việc, và hỗ trợ người học đúc kết vấn đề. Phương pháp này sẽ hiệu quả hơn nếu tổ chức cho người học làm việc theo nhóm.

Lợi ích của phương pháp là giúp người học nâng cao kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, tính chủ động trong việc tìm kiếm và xử lý thông tin.

  • Phương pháp giảng dạy thông qua tình huống (Case – Study Teaching)

Phương pháp này giảng viên sẽ giới thiệu về các tình huống, câu chuyện thực tế từ các sự kiện có thể đã có cách giải quyết hoặc chưa giải quyết để từ đó sinh viên sẽ phân tích, thảo luận tìm ra cách giải quyết tốt nhất hoặc rút ra bài học kinh nghiệm cho mình.

Lợi ích của phương pháp này là giúp người học làm quen với việc tiếp cận thực tiễn, phát triển khả năng tư duy độc lập và nhận thức bậc cao, rèn luyện kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, tác động mạnh đến việc hình thành ý thức tập thể, tham gia và trao đổi.

  • Phương pháp trải nghiệm, thực tập thực tế (Experiential Learning)

Có rất nhiều cách thức áp dụng phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả học tập của sinh viên như: cho sinh viên trải nghiệm thực tế một vấn đề gì đó và viết bài thu hoạch về vấn đề này, sau đó giảng viên cùng cả lớp sẽ phân tích quan điểm của sinh viên thông qua bài thu hoạch và các trải nghiệm của sinh viên. Đây cũng là một phương pháp học tập chủ động tích cực vừa nâng cao kiến thức thực tế cho sinh viên, khả năng nhận xét vấn để, tư duy, viết luận từ đó rút được kinh nghiệm thực tế và bài học cho bản thân.

  • Phương pháp giảng dạy theo mô phỏng (Simulation)

Mô phỏng là một quá trình phát triển mô hình hóa rồi mô phỏng một mô hình cần nghiên cứu. Phương pháp này khá phù hợp với hai chuyên ngành của Khoa Ngoại ngữ, Đại học Văn Lang. Một lợi ích khác của phương pháp này là giảm chi phí rất nhiều. Những mô hình hóa được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Kết quả đo được phải có kiểm chứng với thực tế. Dựa trên kết quả đạt được, ta sẽ có kinh nghiệm cho hướng tiếp theo. Do đó, có thể nói giảng dạy theo mô phỏng bao gồm “xử lý sư phạm” và “tổ chức hoạt động giảng dạy” nằm xen kẽ nhau (Ngô Tứ Thành, 2008)

  • Phương pháp Suy nghĩ - Từng cặp - Chia sẻ (Think-pair-share):

Phương pháp này được thực hiện bằng cách cho các sinh viên cùng đọc tài liệu hoặc suy nghĩ về một chủ đề, sau đó các sinh viên ngồi bên cạnh nhau có thể trao đổi với nhau về ý kiến và kinh nghiệm của mỗi người một khoảng thời gian nhất định, sau đó chia sẻ với cả lớp (Lyman, 1987). Phương pháp này có ưu điểm là rất dễ dàng thực hiện mọi cấu trúc lớp học, ai cũng có thể tham gia được vào việc chia sẻ ý kiến của mình, tạo được sự tự tin cho người học dám nói ra những suy nghĩ của mình.

 

  1. Một số lưu ý khi sử dụng phương pháp dạy học tích cực

Mỗi phương pháp giảng dạy đều nhấn mạnh lên một khía cạnh nào đó của quá trình học tập. Như vậy, cho dù các phương pháp thể hiện hiệu quả như thế nào thì nó vẫn tồn tại một vài khía cạnh mà người học và người dạy chưa khai thác hết. Chính vì thế mà không có một phương pháp giảng dạy nào là lý tưởng. Mỗi một phương pháp đều có ưu điểm riêng, do vậy giảng viên nên xây dựng cho mình một phương pháp riêng phù hợp với mục tiêu, lớp học, nguồn lực, công cụ dạy- học sẵn có và cuối cùng là phù hợp với sở thích của mình.

  1. Kết luận
  • Phương pháp giảng dạy là một trong những vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu, vì thế mỗi giảng viên tùy theo sở trường, môn học mình giảng dạy sẽ có sự thay đổi phương pháp cho linh hoạt, phù hợp.
  • Đến nay vẫn chưa có tài liệu nào đưa ra sự khẳng định phương pháp nào trong số các phương pháp giảng dạy chủ động này là tối ưu nhất, bởi mỗi phương pháp giảng dạy dù là chủ động thì cũng đều có ưu và nhược điểm riêng. Song, các phương pháp giảng dạy chủ động đều phát huy được đáng kể tính tích cực, chủ động của người học trong việc tiếp thu tri thức so với phương pháp học thụ động.
  • Từ dạy và học thụ động sang dạy và học tích cực, giáo viên không còn đóng vai trò đơn thuần là người truyền đạt kiến thức, giáo viên trở thành người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động độc lập hoặc theo nhóm nhỏ để học sinh tự lực chiếm lĩnh nội dung học tập, chủ động đạt các mục tiêu kiến thức, kĩ năng, thái độ theo yêu cầu của chương trình. Giáo viên phải tổ chức, hướng dẫn các hoạt động của người học trong cả những tình huống ngoài dự kiến.

 

Tài liệu tham khảo

Bonwell C. C., and Eison J. A. (1991). Active Learning: Creating Excitement in the Classroom. ASHE-ERIC Higher Education Report No. 1, George Washington University School of Education and Human Development, Washington, DC.

Dostál, J. (2015). Inquiry-based instruction: Concept, essence, importance and contribution. Olomouc: Palacký University.

Hartley, J., & Davies, I. K. (1978). Note taking: A critical review. Programmed Learning and Educational Technology, 15, 207–224.

Hmelo-Silver C. E. (2004). Problem-based learning: What and how do students learn? Educational Psychology Review, 16: 235–266.

Jacoby, B., & Associates. (1996). Service-Learning in Higher Education. San Francisco CA: Jossey-Bass.

Jensen, E. (1998). Teaching with the brain in mind. Alexandria, VA: Association of Supervision and Curriculum Development.

Kolb D. A. (1984). Experimental Learning. Englewood Cliffs, New Jersey: Prentice Hall.

Kritzerow P. (1990). Active learning in the classroom: The use of group role plays. Teaching Sociology, 18(2), 223-225.

Lyman F. (1987). Think-Pair-Share: An expanding teaching technique. MAA-CIE Cooperative News, 1: 1-2.

McKeachie, W.J. (2002).  Teaching Tips. (11th Ed). Boston, MA: Houghton Mifflin Company.

Ngô Tứ Thành (2008). Phương pháp mô phỏng trong giảng dạy các chuyên ngành kỹ thuật. Tạp chí phát triển KH&CN, 11 (10): 114-125.

Nguyễn Thị Lan (2014). Báo cáo kết quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy- kiểm tra, đánh giá ở học phần pháp luật đạii cương. Báo cáo tham luận.  Đại học Nha Trang.

Phạm Thị Thúy (2011, ngày 28/07/2016). Lợi ích của giảng dạy tích cực. Truy xuất từ http://www.giaoduc.edu.vn/loi-ich-cua-phuong-phap-giang-day-tich-cuc.htm.

Ruhl, K.L et al. (1987). Using the pause procedure to enhance lecture recall. Teacher Education and Special Education, 10, 14-18.

 

Lượt truy cập

1868873
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tất cả
278
866
5258
1868873

Your IP: 3.133.157.86
Server Time: 2025-05-17 10:45:10
Go to top