Các câu hỏi thường gặp (Frequently Asked Questions)

 Tải về cẩm nang sinh viên và sổ tay học tập của các khóa 


I. CÁC VẤN ĐỀ CHUNG

II. CÁC QUY ĐỊNH VỀ HỌC TẬP & THI CỬ

III. TƯ VẤN CHỌN CHUYÊN NGÀNH 


  

I. CÁC VẤN ĐỀ CHUNG

1. Em muốn biết chính sách học phí của nhà trường như thế nào?

Học phí được công bố từ đầu khóa học. Mỗi khóa học có một mức học phí riêng. Nếu bạn bị xử lý tạm dừng học, bị lưu ban hoặc xin bảo lưu kết quả; khi nhập học cùng khóa sau, bạn sẽ phải điều chỉnh theo học phí của khóa đó. 

2.  Làm thế nào để em có thể gia hạn học phí?

Nếu gia cảnh bạn khó khăn, bạn có thể làm đơn xin gia hạn 50 % học phí.  Trong tờ đơn bạn ghi rõ họ tên cha, mẹ và số điện thoại phụ huynh, địa chỉ thường trú, tạm trú, lí do xin gia hạn học phí, để Khoa duyệt sau đó bạn mang tờ đơn xuống phòng kế toán đóng tiền. Lưu ý bạn phải hoàn thành 50 % học phí còn lại trước khi thi giữa kì.

3.  Em muốn biết chế đô miễn giảm học phí như thế nào?

Miễn giảm học phí có 2 dạng: theo chính sách Nhà nước và ngoài đối tượng chính sách.

Theo đối tượng chính sách:

Căn cứ Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, căn cứ Công văn số 5997/BGDĐT-KHTC ngày 21/09/2010, căn cứ Nghị định 74/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013, từ năm học 2013-2014, việc trợ cấp và hỗ trợ học phí đối với sinh viên thuộc đối tượng chính sách đang theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập được thực hiện tại địa phương nơi thường trú của sinh viên.

Sinh viên cần lập hồ sơ gồm tờ khai cấp Sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo (mẫu số 1 – UĐGD, phát ở phòng Nội vụ - LĐTBXH quận, huyện nơi thường trú) và bản sao giấy khai sinh cùng các giấy tờ liên quan khác. Sau khi Trường xác nhận vào Sổ ưu đãi, bạn nộp hồ sơ về Phòng Nội vụ - LĐTBXH quận, huyện để được xét cấp hỗ trợ học phí và trợ cấp theo quy định của Nhà nước.

Lưu ý: Đối với các sinh viên thuộc diện trên, Nhà trường sẽ xem xét và thực hiện miễn, giảm học phí thêm bằng nguồn kinh phí của Trường ( 1 lần/ 1 học kỳ). Mức hỗ trợ học phí:

-  Con liệt sĩ: 30% mức học phí/ năm học

-  Con thương binh, bệnh binh 1 – 2/4: 12 % mức học phí

-  Con thương binh, bệnh binh 3-4/4: 8 % mức học phí/năm học

Sinh viên cần chuẩn bị bản sao có công chứng giấy chứng nhận liệt sĩ, thẻ thương binh…, và liên hệ văn phòng khoa để nhận mẫu văn bản số 3A. Thủ tục này chỉ cần làm 1 lần trong suốt khóa học.

 Ngoài đối tượng chính sách:

Những trường hợp sau được Nhà trường xét miễn giảm học phí:

-  Sinh viên gia đình thuộc diện xóa đói giảm nghèo, hộ nghèo (theo chuẩn từng địa phương)

-  Sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

-  Sinh viên bị tàn tật có khó khăn về kinh tế.

-  Sinh viên dân tộc thiểu số cư ngụ tại các xã đặc biệt khó khăn

-  Anh chị em ruột cùng học tại Trường.

-  Sinh viên là con cán bộ, công nhân , viên chức mà cha/mẹ bị tai nạn lao động hoặc bị mắc bệnh nghề nghiệp hưởng trợ cấp thường xuyên.

Bạn nhận mẫu đơn xin giảm học phí tại Khoa, điền đầy đủ thông tin và xác nhận tại địa phương (nơi có hộ khẩu thường trú) về hoàn cảnh gia đình, nộp cho văn phòng khoa.

4. Em muốn biết về hạn đóng học phí là khi nào?

Sinh viên đóng học phí trong 4 tuần đầu của mỗi học kỳ.

5. Em phải làm gì để đạt được học bổng?

Đối tượng: sinh viên đang theo học tại Trường tính đến thời điểm xét, cấp học bổng của học kỳ.

Điều kiện:

Điểm TBCHT học kỳ đạt 7,0 trở lên

Điểm rèn luyện học kỳ đạt 70 điểm trở lên

Cách thức xét, cấp học bổng:

-   Xét từ cao xuống thấp những sinh viên có đủ 2 điều kiện trên lần lượt từ mức 1 đến mức 5 cho đến khi hết chỉ tiêu, hoặc đến khi hết danh sách đủ điều kiện xét, cấp học bổng.

-   Những trường hợp sinh viên có ĐTBCHT học kỳ bằng nhau thì tính theo điểm rèn luyện từ cao xuống thấp

Có 5 mức học bổng:

Mức 1 : 100% học phí của học kì đạt học bổng. 1 học bổng/khoa (học bổng thủ khoa)\

Mức 2:  50 % học phí của học kỳ đạt học bổng. Số lượng học bổng : 5% sinh viên đạt học bổng của khoa/khóa

Mức 3: 25% học phí của học kỳ đạt học bổng. Số lượng học bổng: 10 % số sinh viên đạt học bổng của khoa/khóa

Mức 4: 15% học phí của học kỳ đạt học bổng. Số lượng học bổng: 30% số sinh viên đạt học bổng của khoa/khóa

Mức 5: 10% học phí của học kỳ đạt học bổng. Số lượng học bổng: 55% số sinh viên đạt học bổng của khoa/khóa.

6. Em muốn tìm hiểu về các tuyến xe buýt để đến trường?

-Tại Cơ sở 1: Trạm Trần Hưng Đạo (các tuyến chạy ngang qua: 01. 35.96.139.152)

-Tại Cơ sở 2 : Trạm Chợ Phan Văn Trị - Đại Học Văn Lang ( Các tuyến chạy ngang qua: 36.40.95.146)

-Tại Cơ sở 3: Tuyến xe bus số 31 xuất phát từ khu dân cư Tân Quy đến thẳng Cơ sở 3 Trường ĐH Văn Lang (P.5, Q. Gò Vấp). Lộ trình xe bus số 31 như sau:

- Lượt đi: Trường Đại học Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Thị Thập - Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát - (Cầu Tân Thuận 1) - Nguyễn Tất Thành - Hoàng Diệu - Nguyễn Thái Học - Trần Hưng đạo - Hàm Nghi - Pasteur - Nguyễn Thị Minh Khai - Hai Bà Trưng - Trần Quang Khải - Đinh Tiên Hoàng - Phan Đăng Lưu - Nơ Trang Long - Bình Lợi - Hẻm 127 Bình Lợi - Đặng Thùy Trâm (Quay đầu tại hẻm 69 Đặng Thùy Trâm - Đặng Thùy Trâm - Công viên Đặng Thùy Trâm).

- Lượt về: Công viên Đặng Thùy Trâm - Đặng Thùy Trâm - Quay đầu tại hẻm 69 Đặng Thùy Trâm - Đặng Thùy Trâm - Hẻm 127 Bình Lợi - Bình Lợi - Nơ Trang Long - Phan Đăng Lưu - Đinh tiên Hoàng - Trần Quang Khải - Nguyễn Hữu Cầu - Hai Bà Trưng - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa -Hàm Nghi - Lê Lai - Phạm Hồng Thái - Nguyễn Thị Nghĩa - Nguyễn Thái Học - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành - (Cầu Tân Thuận 2) - Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Thị Thập - Nguyễn Hữu Thọ - Đường D6 - (Quay đầu) - Đường D6 - Trường Đại học Tôn Đức Thắng. 

Lộ trình cụ thể của các tuyến, tham khảo tại: www.buyttphcm.com.vn

7. Em có thể liên hệ văn phòng khoa khi cần những giấy tờ gì?

Nhà trường chỉ cấp giấy chứng nhận cho những sinh viên có đi học thường xuyên và đã đóng học phí học kỳ đang theo học. 

Các bạn liên hệ văn phòng Khoa khi cần những giấy tờ sau:

Giấy chứng nhận đang học để xin hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự(NVQS): nam sinh viên cần nộp học phí từ đầu học kỳ, nhất là đầu năm học mới để Nhà trường kịp lập danh sách gửi về Ban chỉ huy Quân sự các địa phương và cấp giấy để xin hoãn NVQS. Nam sinh viên được hoãn thi hành NVQS trong thời gian từ 2 năm đến 5 năm tùy theo thời gian học của mỗi bậc học, ngành học.

Phiếu xác nhận sinh viên thuộc diện được xem xét giải quyết chế độ ưu đãi theo Nghị định số 28/CP của Chính phủ (mẫu số 2b)

Giấy đề nghị xác nhận đang theo học tại Trường để gia đình hoàn thành thủ tục vay vốn NHCSXH (mẫu số 01/XNSV)

Giấy chứng nhận đang học tại Trường.

Giấy chứng nhận đã học tại Trường trong khoảng thời gian nào đó nhưng chưa hoàn tất khóa học.

Giấy chứng nhận đã hoàn tất chương trình học sau khi sinh viên đã học hết chương trình của khóa học (từ 02 năm đến 05 năm), cấp cho sinh viên đã học xong học kỳ cuối cùng đã đủ điều kiện dự thi hay làm khóa luận tốt nghiệp.

Giấy chứng nhận đã đủ điểm tốt nghiệp nhưng chưa được nhận văn bằng vì còn thiếu học phí, thiếu giấy tờ trong hồ sơ sinh viên (hồ sơ trúng tuyển) hay vừa bổ sung điểm thi trả nợ.

8. Em có thể liên hệ P. Hành Chính khi cần những giấy tờ gì?

Xác nhận trên đơn thi bằng lái xe, phiếu đi xe buýt.

Chứng thực bản sao các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ do Trường cấp: sinh viên nộp lệ phí tại phòng kế toán trước khi đưa bản sao về Phòng Hành Chính chứng thực. Không chứng thực bản sao thẻ sinh viên.

 Nam sinh viên còn nợ môn chưa tốt nghiệp có thể xin hoãn NVQS thêm từ 01 đến 02 năm, cần liên hệ xin cấp giấy xác nhận tại văn phòng khoa và về Phòng Hành Chính xin cấp giấy chứng nhận.

Lưu ý: Khi phô tô cần để nguyên khổ giấy A4 để đóng dấu chứng thực sao y bản chính.

9. Em có thể  liên hệ Phòng Đào Tạo khi cần những giấy tờ gì?

Bảng điểm: Sinh viên có thể xem kết quả học tập trên mạng của Trường.

 Xác nhận để thanh toán bảo hiểm tai nạn: sinh viên đến phòng Đào Tạo để làm thủ tục (P.103B), sau đó qua Phòng Hành chính ký và đóng dấu. 

Ngoài ra, đối với những bạn ở tỉnh, khi cần xác nhận trên Sơ yếu lý lịch để xin việc làm ngoài giờ, việc làm ngắn hạn , các bạn hãy liên hệ trực tiếp với Phòng Kế hoạch và Quản lý nhân lực.

10. Y tế học đường là như thế nào?

Nhà trường mua bảo hiểm tai nạn (BHTN) cho sinh viên, bảo hiểm y tế (BHYT) do sinh viên tự mua. BHTN là bảo hiểm thương tật thân thể do tác động từ bên ngoài gây thương tích hoặc tử vong. Còn BHYT sẽ lo giúp bạn phần chăm sóc sức khỏe, khám và chữa bệnh ngoại trú, nằm viện điều trị và phẫu thuật, trợ cấp tử vong.

 Tại mỗi văn phòng khoa đều có tủ thuốc cấp cứu và các dụng cụ y tế cơ bản chăm sóc y tế cho sinh viên khi cần. Trường hợp có sự cố xảy ra trong lớp học (ngất xỉu, chấn thương, chảy máu, bệnh…) các bạn cần điện về văn phòng khoa đồng thời gọi số 08.38369511. Tại CS1, phòng Y tế của Trường đặt tại phòng 502A.

11. Bảo hiểm y tế có bắt buộc không?

Bảo hiểm y tế là bảo hiểm bắt buộc và sinh viên phải mua bảo hiểm y tế như là một quyền lợi và nghĩa vụ của 1 sinh viên.

12. Làm thế nào để có được việc làm thêm tại trường?

Các bạn có thể đăng ký làm việc bán thời gian cho một số đơn vị trong Trường như Trung tâm Thông tin – Thư viện hoặc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên.

Trung tâm Thông tin – Thư viện là nơi cung cấp các công việc: viết bài cho website, chụp ảnh, trực thư viện, hỗ trợ tổ chức sự kiện, làm MC, tư vấn tuyển sinh…

Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên là nơi để bạn đăng ký trực thang máy, làm việc tại căn tin. Năm học 2015 -2016, thù lao cho việc làm thêm trong Trường là 19.000đ/giờ làm việc.

Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên còn là cầu nối giữa các công ty, đơn vị bên ngoài Trường với sinh viên, đảm bảo phù hợp với chuyên ngành học. Khi có thông tin tuyển dụng từ doanh nghiệp, Trung tâm sẽ đăng thông báo trên Diễn đàn Sinh viên Văn Lang. Sinh viên muốn ứng tuyển sẽ trực tiếp đến P. 201B – Trụ sở, để xin giấy giới thiệu của Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, rồi liên hệ doanh nghiệp.

13. Khi nào thì bắt đầu làm hồ sơ miễn giảm học phí?

Vào đầu mỗi năm học, bạn phải lên văn phòng Khoa để quản lý sinh viên hướng dẫn bạn làm hồ sơ miễn giảm học phí.

14. Em đã có bằng giáo dục quốc phòng rồi, vậy có cần học lại không?

Bạn không cần học lại, chỉ cần nộp bảng phô tô công chứng cho quản lý sinh viên để bổ sung hồ sơ tốt nghiệp trước khi ra trường.

15. Khi đến trường em phải mặc trang phục thế nào?

Nhà Trường yêu cầu trang phục đàng hoàng, nghiêm túc , phù hợp với văn hóa học đường, nghiêm cấm ăn mặc thiếu ý thức như áo sát nách, váy quá cao, quần đùi, áo hở bụng, quần jeans rách phản cảm, áo khoét sâu.

16. Khi bị mất thẻ sinh viên, em phải làm gì?

Sinh viên phải báo ngay cho văn phòng khoa và chuẩn bị 2 tấm hình 3x4 để làm lai thẻ sinh viên. Tuy nhiên sinh viên tránh làm mất thẻ sinh viên, đề phòng kẻ gian lợi dụng trà trộn vào trường.

17. Em có anh/ chị đã tốt nghiệp, em phải làm thế nào để được miễn giảm học phí?

Sinh viên cần chuẩn bị bản sao công chứng bằng tốt nghiệp và bản sao công chứng giấy khai sinh 2 anh/chị em hoăc bản sao công chứng sổ hộ khẩu; và lên văn phòng khoa điền mẫu đơn xin miễn giảm học phí đối với trường hợp có anh/ chị đã tốt nghiệp.

 

II. CÁC QUY ĐỊNH VỀ HỌC TẬP & THI CỬ 

1. Sinh viên xin phúc khảo bài thi cuối kỳ như thế nào? 

Sinh viên nộp đơn xin phúc khảo bài thi cho Phòng khảo thí (download mẫu đơn tại đây).Thời gian xử lý việc khiếu nại là 10 ngày kể từ ngày công bố điểm cuối kỳ. Sinh viên phải nộp lệ phí phúc khảo theo quy định. Nếu sau khi chấm phúc khảo điểm số có thay đổi thì sinh viên được nhận lại lệ phí này. Sinh viên xem để biết thêm chi tiết tại Mục 6, Điều 23, của Quy chế đào tạo 449

2. Trường hợp nào sinh viên phải thi lần 2 ?

(Dành cho hệ tín chỉ)

Sinh viên gặp phải một trong các trường hợp sau thì buộc phải thi lại lần 2:

  • Tổng điểm trung bình môn học < 4
    ĐTB = Trung bình của [Điểm quá trình + Thi giữa kỳ + Thi cuối kỳ lần 1]
  • Vắng thi lần 1 (Vắng thi lần 1 bắt buộc phải thi lại lần 2)

Sinh viên có ĐTB từ 4 đến 5.4 nếu có nguyện vọng thi cải thiện điểm thì cần phải đăng ký và đóng phí thi lại ngay sau khi có kết quả thi lần 1 để khoa kịp lên danh sách.

3. Thời gian tổ chức thi lần 2 khi nào?

Thi lần hai được tổ chức sau khi biết kết quả thi lần 1 khoảng 1 tuần.
Lưu ý: Sinh viên có trách nhiệm theo dõi kết quả thi của mình tại bảng thông báo của văn phòng khoa hoặc website khoa, trường.

4. Thi lần 1 và Thi lần 2 giống nhau và khác nhau ở những diểm nào?

Giống nhau:
Điểm thi lần 2 và lần 1 có giá trị như nhau trong công thức tính điểm TB.
Khác nhau:
Sinh viên thi lần 2 sẽ không được xét học bổng dù điểm TBTL >= 7.0

5. Trường hợp nào sinh viên phải học lại?

Khi điểm trung bình môn học < 4 điểm (hệ tín chỉ) thì sinh viên buộc phải học lại môn học đó.

6. Sinh viên học lại (trả nợ môn) vào thời gian học nào?

Khi sinh viên bị nợ môn thì buộc phải học lại. Thời gian học lai (trả nợ) vào năm học kế tiếp hoặc Học kỳ hè.
Ví dụ:
HK1 2016-2017 -> HK1 2017-2018.
HK2 2016-2017 -> HK2 2017-2018.

7. Quy trình đăng ký học lại như thế nào:

Sinh viên đăng ký học lại theo các bước sau đây:

- Xem thông báo tại văn phòng khoa hoặc website khoa ngoại ngữ về thời gian đăng ký học lại (khoảng 1 – 2 tuần trước khi bắt đầu học kỳ tiếp theo).

- Xem TKB để chọn lớp học lại không trùng với lịch học chính thức.

1. Kiểm tra Thời khóa biểu => Chọn “lớp” muốn đăng ký học lại
2. Đăng ký tại phòng đào tạo => Nhận giấy xác nhận đăng ký học lại (PĐT đã ký)
3. Đóng tiền tại phòng kế toán => Nhận biên lai thu tiền học phí.
4. Mang biên lai học phí lên văn phòng Khoa => Gặp Giáo vụ để thêm tên vào danh sách học lại.

8. Học kỳ hè là gì?

Học kỳ hè là học kỳ được tổ chức riêng cho các sinh viên bị nợ môn.
Thời gian học: Chia làm 2 đợt
- Đợt 1: Vào khoảng tháng 7 – đầu tháng 8 đối với các học phần Học kỳ 1.
- Đợt 2: Vào khoảng đầu tháng 8 – cuối tháng 8 đối với các học phần Học kỳ 2.

Thời gian và địa điểm đăng ký:

Đăng ký tại văn phòng khoa.
Trước khi nhập học 2 tuần.

Điều kiện mở lớp:
Số lượng sinh viên đăng ký >10 sv

Mẫu đăng ký:
Xem tại website của khoa.

9. Sinh viên bị tạm dừng học tập khi nào?

Sinh viên nằm trong các trường hợp sau thì bị tạm dừng học tập:
- Điểm TB cả năm < 5.0
- Nợ từ 15 đến 24 đvht = từ 10 đến 16 tín chỉ (từ 5 – 8 môn học) 

10. Sinh viên bị buộc thôi học khi nào?

Sinh viên nằm trong các trường hợp sau thì bị buộc thôi học:
Điểm TB tới thời điểm hiện tại nhỏ hơn:
- 1 năm: 3.5
- 2 năm: 4.0
- 3 năm: 4.5
- 4 năm: 4.8
Hết thời gian học (6 năm). 
Bị kỷ luật lần 2 (thi hộ, nhờ người thi hộ…).

11. Cách đánh giá Học phần như thế nào?

Thang điểm từ 0 – 10.

Điểm quá trình : 20%

Điểm kiểm tra giữa kỳ: 30%

Điểm kiểm tra cuối kỳ: 50%

Điểm đạt cho học phần: >= 4 điểm.

12. Xếp loại kết quả học tập theo thang điểm nào?

Đối với hệ tín chỉ (từ K23 về sau):

a) Loại đạt:

Từ 9 đến 10: A+
Từ 8.5 đến 8.9: A
Từ 8 đến 8.4: B+ 
Từ 7 đến 7.9:  B
Từ 6.5 đến 6.9: C+
Từ 5.5 đến 6.4: C

Từ 5.0 đến 5.4: D+ (loại yếu)
Từ 4.0 đến 4.9: D   (loại yếu)
Lưu ý: Nếu trung bình toàn bộ khóa học loại yếu thì sv không được xét tốt nghiệp.

b) Loại không đạt:

Dưới 4: F (loại kém)

 

III. TƯ VẤN CHỌN CHUYÊN NGÀNH

1. Ngành Tiếng Anh Thương Mại có lợi gì hơn so với các ngành còn lại không ạ?

        Ngành Tiếng Anh Thương Mại sẽ có những lợi ích sau:

-  Có kiến thức cơ bản về các lĩnh vực thương mại

-  Có từ vựng chuyên ngành về lĩnh vực thương mại

-  Cơ hội nghề nghiệp sẽ rộng hơn các ngành khác (ví dụ sau khi tốt nghiệp nếu tiếng Anh tốt có thể làm bên biên phiên dịch, du lịch hoặc giảng dạy à tuy nhiên cần bổ sung thêm các chứng chỉ nghiệp vụ)

 

2. Học ngành Tiếng Anh Thương Mại , sau này trường sẽ cho SV chỗ thực tập sẵn hay tự kiếm ạ?

Thực tập tốt nghiệp:

-  Phần lớn các SV sẽ tự tìm kiếm công ty phù hợp với mảng thương mại mà bản thân quan tâm hoặc có thế mạnh

-  Khoa Ngoại Ngữ cũng tạo điều kiện bằng cách kết nối với các anh chị cựu SV (đang có những vai trò lớn ở nhiều công ty), các đơn vị việc làm có văn bản ký kết với Khoa Ngoại ngữ .

 

3. Chuyên môn của SV khoa ngoại ngữ chuyên ngành Thương Mại so với SV Thương mại quốc tế có chênh lệch nhiều ko, nếu có thì vị trí của 1 SV chuyên ngữ chuyên ngành Tiếng Anh Thương Mại trong 1 công ty sẽ là gì?

SV cần hiểu chuyên ngành Tiếng Anh Thương Mại sẽ học gì

- Bản chất vẫn là ngôn ngữ Anh nên sẽ học tiếng Anh

- Chỉ học những kiến thức nền cơ bản trong lĩnh vực thương mại à SV phải tự bổ sung kiến thức lĩnh vực mình yêu thích bằng cách học các khóa nghiệp vụ ngắn hạn

- Vị trí việc làm sẽ phụ thuộc vào trình độ, kiến thức và kỹ năng của SV chứ không phụ thuộc vào chuyên ngành học.

 

4. Em muốn tham khảo ý kiến về chuyên ngành Tiếng Anh Thương Mại. Không biết là về kỹ năng hay ngôn ngữ thì điều gì là khó khăn nhất ạ? Và mình nên làm gì để vượt qua khó khăn đó vậy ạ?

-  Khi đã là SV ngành ngôn ngữ thì phải vững về các kỹ năng ngôn ngữ

-  Tùy vào chuyên ngành SV chọn là gì thì sẽ có những kỹ năng riêng. Ví dụ chuyên ngành Tiếng Anh Thương Mại đòi hỏi phải có kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, thuyết trình và các kiến thức xã hội thực tế

 

5. Kĩ năng giao tiếp của em còn chưa được vững lắm vậy liệu khi em chọn chuyên ngành thương mại có được hay không ạ?

Kỹ năng giao tiếp là điều kiện cần cho bất kỳ SV ngành ngôn ngữ nào nên sẽ ảnh hưởng lớn đến việc học tập các chuyên ngành khác nhau.

 

6. Em định chọn chuyên ngành giảng dạy,nhưng điểm môn chuyên ngành của em có môn không đạt được điều kiện. Em có nghe thầy Trưởng Khoa nói nếu khôngđủ điều kiện xét chọn chuyên ngành thì vẫn có thể phỏng vấn để xem xét ạ. Nhưng nếu sau khi phỏng vấn em vẫn không được vào chuyên ngành em mong muốn, thì em sẽ chuyển qua chuyên ngành du lịch ạ. Thầy cô cho em hỏi là nếu em học ngôn ngữ Anh chuyên ngành du lịch,nhưng sau khi ra trường,em học thêm 1 khóa giảng dạy  ngoài thì có thể làm nghề giáo viên được không ạ?

Bạn vẫn có thể học ngôn ngữ Anh chuyên ngành du lịch và khi tốt nghiệp vẫn có thể đi dạy được bình thường. Do bạn tốt nghiệp chuyên ngành nào thì cũng đều là cử nhân Tiếng Anh, chính vì thế sau khi qua training bằng các chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, bạn hoàn toàn có thể đứng lớp giảng dạy bình thường. Tuy nhiên cần lưu ý, do bạn đi giảng dạy, trình độ và khả năng sử dụng tiếng Anh của bạn nên tốt  một chút xíu để khi đứng lớp dạy bạn không bị bỡ ngỡ. Ngoài ra bạn nên xem xét sở thích mình thích dạy tiếng Anh cho độ tuổi nào (kids, teens, adults..) để có thể chuẩn bị kiến thức khi đi dạy tốt hơn.

 

7. Em có mong muốn sau khi ra trường có thể dạy tại trung tâm Anh ngữ (có cả SV và người đi làm) và có thể mở lớp dạy thêm cho các bạn nhỏ hơn. Hiện em có thể chọn học ngành nào thưa thầy/cô? Vì những khả năng nghe nói đọc viết của em thật ra cũng chưa tốt lắm, nên em rất phân vân và lo sợ không đủ điểm để chọn ngành học.  Xin thầy cô cho em ý kiến ạ.

Nếu bạn muốn mở trung tâm thì tốt nhất bạn nên chọn chuyên ngành Tiếng Anh Giảng Dạy. Lý do vì để mở được một trung tâm như vậy bạn cần có trải nghiệm về dạy như thế nào, cách soạn bài và nhiều thứ khác. Tuy nhiên, như bạn cũng biết để đi dạy được đòi hỏi các kỹ năng ngôn ngữ phải tốt. Nên tốt nhất bạn nên rèn luyện thêm. Còn về câu hỏi thứ 2, nếu không đủ điểm bạn vẫn có thể làm đơn gửi về Khoa nếu bạn thực sự muốn học. Tham khảo http://khoangoaingu.vanlanguni.edu.vn/thong-bao/719-tb-chon-chuyen-nganh-k24

 

8. Nếu như em học Tiếng Anh Giảng Dạy, sau này khi ra trường em muốn làm trong trường THCS hoặc THPT hoặc 1 trung tâm ngoại ngữ thì em có bắt buộc phải học thêm bằng TESOL không ạ. Em cảm ơn thầy, cô.

Điều này còn tùy thuộc vào cơ sở giáo dục mà các bạn sẽ tham gia giảng dạy. Thông thường, ở đa số các trung tâm ngoại ngữ không yêu cầu chứng chỉ TESOL hay chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mà thường yêu cầu thêm các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS hay TOEFL. Tuy nhiên, khi giảng dạy tại các trường chính quy như THCS hay THPT thì cần có thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ giảng dạy TESOL hay thậm chí bằng thạc sỹ TESOL.

Hiện nay, khoa Ngoại Ngữ của Đại học Văn Lang có hợp tác với đại học City University of Seattle của Hoa Kỳ để đào tạo chứng chỉ giảng dạy TESOL và Thạc sỹ Giáo dục. Bạn có thể liên hệ với Khoa để biết thêm thông tin.

9. Em muốn hỏi là nếu em học về mảng Tiếng anh Thương mại thì sau này em có thể học lên cao học được không ạ? Và sau này em có thể đi dạy như  chuyên ngành giảng dạy được không ạ?

Câu trả lời là được hết nhé. Học cao học vẫn được nếu bạn học ngành có liên quan (tìm hiểu thêm trên mạng nhé), và vẫn đi dạy được nếu bạn học thêm 1 số chứng chỉ giảng dạy (TESOL certificate; TKT.. - Bạn có thể tìm hiểu thêm trên mạng). Nhưng bạn nên nhớ rằng phải xác định rõ là nếu ra chỉ muốn đi dạy học thì nên chọn Tiếng Anh giảng dạy.

Đối với chia sẻ của bạn về kỹ năng nghe  thì lời khuyên là bạn nên tự cải thiện bản thân vì đi dạy bạn cũng phải dạy đủ các kỹ năng ngôn ngữ trong đó có kỹ năng nghe nhé.

 

10. SV chuyên ngành tiếng Anh giảng dạy sẽ được thực tập ở đâu, trong thời gian bao lâu ạ?

Thời gian thực tập theo quy định của Khoa dành cho tất cả các chuyên ngành là đầu học kỳ 8, thời gian trong khoảng 1 tháng. Trong thời gian này bạn sẽ được nghỉ học các môn của học kỳ đó ở trường. Về địa điểm thực tập bạn có thể thực tập tại một số trường THCS đối tác của Khoa, hay các trung tâm Anh ngữ cũng là đối tác của Khoa như Anh Ngữ Á Châu. Nếu không thì bạn vẫn có thể tự tìm các cơ quan khác để thực tập miễn là có liên quan đến việc giảng dạy tiếng Anh. Tuy nhiên, vào mùa hè năm thứ 3, SV có thể tham gia thực tập sớm (trừ chuyên ngành giảng dạy tại các trường phổ thông)

 

11. Em muốn biết rõ hơn về chương trình giảng dạy của Tiếng Anh du lịch của Khoa mình ạ.

Khi học chuyên sâu về tiếng Anh du lịch, SV sẽ được học 3 nhóm kiến thức cơ bản: (1) Kiến thức và kĩ năng chuyên sâu về tiếng Anh Du lịch và tiếng Anh Nhà hàng – Khách sạn; (2) Kiến thức tổng quan về lĩnh vực Du lịch và Nhà hàng-Khách sạn với các môn như Introduction to Tourism & Hospitality, Tour Guide Operations; (3) Kiến thức và kĩ năng về Phiên dịch trong lĩnh vực du lịch.

 

12. Chuyên ngành tiếng Anh thương mại và tiếng Anh du lịch thì sau khi ra trường sẽ có thể làm việc ở những lĩnh vực nào?

Sau khi ra trường, SV có thể làm việc trong rất nhiều lĩnh vực có liên quan như công tác trợ lý hợp tác quốc tế, biên dịch, lễ tân, thư ký, nhân viên văn phòng, nhân viên xuất nhập khẩu cho các công ty có yếu tố nước ngoài, nhân viên du lịch đặc biệt là cho các công ty, tổ chức du lịch có yếu tố nước ngoài, phiên dịch trong du lịch, nhân viên nhà hàng-khách sạn có yếu tố nước ngoài…. Vì ngành ngôn ngữ Anh là ngành mở, nên ngoài những lĩnh vực trên, SV cũng có thể làm việc ở những vị trí khác như quản trị du lịch, quản trị nhà hàng- khách sạn có yếu tố nước ngoài sau khi bổ túc thêm chứng chỉ quản lý, hay làm công tác giáo dục và giảng dạy tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ, trường trung học sau khi bổ túc thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

 

13. Em chào thầy cô, bên khoa mình có chuyên ngành Tiếng Anh Du Lịch. Em được biết là sẽ được học chuyên sâu hơn về tiếng Anh nhưng không biết là khi học có được thực tập sâu về mảng du lịch không ạ?

Thực tế, cho dù các bạn học chuyên ngành nào, thì ngành chính của các bạn vẫn là ngành Ngôn Ngữ Anh, và khi ra trường các bạn sẽ vẫn được cấp bằng Cử nhân Ngôn ngữ Anh. Điều này có nghĩa là, trong chuyên ngành tiếng Anh du lịch thì trọng tâm của chương trình là giúp các bạn sử dụng thật tốt tiếng Anh trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng-khách sạn cùng những kiến thức tổng quát nhất trong các lĩnh vực trên. Việc thực tập chuyên sâu hay đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ du lịch hay nhà hàng – khách sạn không thuộc phạm vi của chương trình đào tạo ngành Ngôn Ngữ Anh.

Tuy nhiên, tất cả những kĩ năng hay nghiệp vụ cần thiết trong các lĩnh vực này đều được cung cấp thông qua các khóa học nghiệp vụ ngắn hạn. Sau khi ra trường, SV có thể xác định chính xác ngành nghề mà mình muốn theo đuổi, tham gia các khóa nghiệp vụ từ 4-6 tháng thì hoàn toàn có thể tự tin thực hành nghề. 

 

14. Làm sao để làm thông dịch viên chuyên nghiệp? Biên phiên dịch ngoài giỏi các kĩ năng nghe nói và viết thì còn cần gì nữa ko ạ? Có người cho rằng chỉ cần điểm IELTS cao (7.0+) là có thể dịch thuật. Điều ấy có đúng hay không? Nếu không (hoặc ngoài điểm IELTS ra) thì một người dịch thuật thì cần những yếu tố gì?

Để làm tốt công việc biên/phiên dịch, ngoài các kỹ năng ngôn ngữ đạt yêu cầu, bạn cần có kiến ​​thức tốt về các ngôn ngữ liên quan, bao gồm cả ngôn ngữ mẹ đẻ. Và đồng thời, bạn phải có kiến ​​thức đủ tốt về văn hóa của cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích, ví dụ như văn hóa Việt Nam, văn hóa Anh, văn hóa Mỹ, v.v. Bên cạnh đó, bạn cần biết càng nhiều càng tốt về các lĩnh vực liên quan như công nghệ, y khoa, tiếp thị, v.v. nếu bạn muốn biên/phiên dịch trong những lĩnh vực này. Ngoài ra, bạn cần có sự nhạy bén và khả năng chịu được áp lực cao của nghề phiên dịch.

 

15. Các sai lầm hay mắc phải của việc thông dịch?

Một biên/phiên dịch viên thiếu huấn luyện bài bản thường mắc những sai lầm khó tránh khỏi. Một sai lầm phổ biến là dịch từng từ, từng chữ, thay vì chuyển tải ý niệm của lời nói. Một sai lầm nữa là thiếu chú ý đến bối cảnh của câu chuyện và vì thế thiếu nhất quán về thời gian, không gian, nhân vật và/hoặc cách xưng hô trong câu chuyện. Và một lỗi thường gặp nữa có liên quan đến sự khác biệt văn hóa giữa hai ngôn ngữ, thường là dẫn đến sự mơ hồ, khó hiểu hoặc thậm chí là hiểu lầm.

 

16. Các trung tâm uy tín, tuyển thực tập sinh làm thông dịch viên?

    Các bạn có thể được tuyển làm thực tập sinh biên/phiên dịch ở các địa chỉ sau:

  • GEM Center, 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đa Kao, Quận 1, T.P. Hồ Chí Minh
  • Consulate General of the United States, Ho Chi Minh City
    4 Lê Duẩn, Bến Nghé, Quận 1, T.P. Hồ Chí Minh

 

17. Em có suy nghĩ muốn đi theo hướng chuyên ngành Anh-Trung thương mại , nhưng em không biết nếu em tốt nghiệp ta em có thể chắc chắn apply vào những vị trí nào của doanh nghiệp ạ?

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Anh – Trung thương mại,các bạn có thể ứng tuyển vào các vị trí như:trợ lý, thư ký , nhân viên kinh doanh , nhân viên xuất nhập khẩu , phiên dịch viên , quản lý nhân sự , hướng dẫn viên...

 

18. Anh-Trung thương mại, nếu như ngôn ngữ 2 của em là Pháp hoặc Nhật vậy có thể lựa chọn được không ạ? Nếu vậy, có điều kiện gì không ạ?

Nếu ngôn ngữ 2 của em là tiếng Pháp hoặc Nhật em vẫn có thể lựa chọn chuyên ngành Anh – Trung thương mại,điều kiện là em phải có chứng chỉ HSK 2 trở lên.

 

19. Em sẽ học những học phần nào khi chọn ngành Anh-Trung Thương mại ?

Khi chọn chuyên ngành này SV sẽ phải hoàn thành các học phần sau

-  Học Phần Bắt Buộc : (15 tín chỉ)

Tiếng Trung thương mại 1                (2 tín chỉ)

Tiếng Trung thương mại 2                (2 tín chỉ)

Tiếng Trung giao tiếp thương mại    (3 tín chỉ)

Thư tín thương mại Tiếng Trung        (2 tín chỉ)

Đọc hiểu thương mại - Reading in General Business    (3 tín chỉ)

Thư tín thương mại – Business Correspondence           (3 tín chỉ)

-  Học phần tự chọn : (4 tín chỉ)

Khái quát Trung Quốc (2 tín chỉ)

Báo chí Tiếng Trung (2 tín chỉ)

Tiếng Anh xuất nhập khẩu – English for Import and Export ( 2 tín chỉ)

Tiếng Anh tiếp thị - English for Marketing (2 tín chỉ)

Tiếng Anh hợp đồng và luật thương mại – English for Contract & Business law (2 tín chỉ)

-  Môn tốt nghiệp :

Đọc viết nâng cao Tiếng Trung ( 2 tín chỉ)

 

20. Anh-Trung thương mại sau này ra trường có cần phải học thêm chứng chỉ hay bằng cấp gì đó để có việc làm không ạ?

Trong quá trình học hoặc sau khi tốt nghiệp,các bạn SV cần bổ sung thêm các kỹ năng hoặc chứng chỉ như : kỹ năng vi tính văn phòng, chứng chỉ kế toán, chứng chỉ hướng dẫn viên, chứng chỉ nghiệp vụ xuất nhập khẩu...(bằng tiếng Việt) tùy theo yêu cầu công việc.

Go to top